Cảm nghĩ của em về bài thơ "Bánh trôi nước" của nữ sĩ Hồ Xuân Hương

pdf 2 trang ngohien 22/10/2022 11320
Bạn đang xem tài liệu "Cảm nghĩ của em về bài thơ "Bánh trôi nước" của nữ sĩ Hồ Xuân Hương", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • pdfcam_nghi_cua_em_ve_bai_tho_banh_troi_nuoc_cua_nu_si_ho_xuan.pdf

Nội dung text: Cảm nghĩ của em về bài thơ "Bánh trôi nước" của nữ sĩ Hồ Xuân Hương

  1. VĂN BIỂU CẢM Đề: Cảm nghĩ của em về bài thơ “Bánh trôi nước “của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bài gợi ý 1. Mở bài: Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”, là một trong những nữ sĩ hiếm hoi của nền văn học Trung đại Việt Nam. Thơ của bà thường viết về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa với niềm thương cảm và sự trân trọng vẻ đẹp của họ. “Bánh trôi nước” chính là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của bà để lại trong lòng người đọc rất nhiều cảm xúc khó tả: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn Bảy nổi ba chìm với nước non Rắn nát mặc dù tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. • Mở bài 2: “Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Lời thơ cũng là tiếng lòng của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du khi nói về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Cùng với Nguyễn Du, nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng bày tỏ tiếng lòng của mình qua bài thơ “Bánh trôi nước”: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn Bảy nổi ba chìm với nước non Rắn nát mặc dù tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. 2. Thân bài: a. Vài nét về xã hội phong kiến: Như chúng ta cũng biết, người phụ nữ trong xã hội phong kiến chịu nhiều những bất công. Sự bất công cay đắng ấy bắt nguồn từ quan niệm “Trọng nam, khinh nữ” hay “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”. Người phụ nữ trong xã hội xưa không được quyền tự chủ, họ không có tiếng nói của mình. Có lẽ chính vì sự thương cảm ấy, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã cất lên tiếng lòng của mình qua bài thơ “Bánh trôi nước”. b. Cảm nghĩ về bài thơ: (cảm nghĩ theo bố cục) nghệ thuật + nội dung Bánh trôi nước là một bài thơ tứ tuyệt xuất sắc mang nhiều nét nghĩa. Đọc thơ, người đọc hình dung tác giả đang miêu tả về hình ảnh chiếc bánh trôi quen thuộc. Chiếc bánh có màu trắng hình tròn có nhân bên trong. Bánh ngon hay không thường phụ thuộc vào tay người nhào nặn bột. Ẩn ý sâu xa bên trong, nữ sĩ muốn mượn hình ảnh chiếc bánh trôi đẹp đẽ ấy để khắc họa thân phận người phụ nữ. Mở đầu bài thơ là cụm từ “thân em” quen thuộc: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” Trong ca dao nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, chúng ta thường bắt gặp cụm từ “thân em” như: Thân em như trái bần trôi. Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu. Hay:
  2. Thân em như giếng giữa đàng Người thanh rửa mặt, người phàm rửa chân. Hai tiếng “thân em” gợi lên thân phận nhỏ bé của người phụ nữ. Mượn hình ảnh bánh trôi nước “vừa trắng lại vừa tròn”, Hồ Xuân Hương miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ, bởi nhìn chiếc bánh trôi nước xinh xắn, ta dễ liên tưởng đến vẻ đẹp trong trắng của người con gái đang xuân, tràn đầy sức sống. Điệp từ “vừa” càng làm tăng thêm vẻ đẹp, sự tự hào về ngoại hình của họ. “Trắng” là nét đẹp trong trắng tinh khôi, thuần khiết còn “tròn” là vẻ đẹp về hình dáng bên ngoài – một vẻ đẹp đầy đặn phúc hậu. Chữ “tròn” ở đây phải chăng còn nói đến “làm tròn bổn phận”? Bổn phận một người con hiếu thảo “Tại gia tòng phụ”, bổn phận một người vợ thủy chung “xuất giá tòng phu” hay bổn phận một người mẹ giàu tình yêu thương con “phu tử tòng tử”. Như vậy, chỉ với câu thơ đầu tiên, chúng ta đã nhìn thấy vẻ đẹp từ ngoại hình cho đến tâm hồn của người phụ nữ. Họ là những người phụ nữ đẹp, thế nhưng, số phận thì lại “lênh đênh chìm nổi”: Bảy nổi ba chìm với nước non. Như chiếc bánh trôi nước lúc chìm lúc nổi, người phụ nữ trong xã hội cũ không được quyền quyết định về số phận của mình. Thành ngữ “ba chìm bảy nổi” được tác giả đảo ngữ thành “bảy nổi ba chìm” một cách khéo léo tinh tế để nhấn mạnh thân phận lênh đênh, vô định của họ giữa dòng chảy của cuộc đời. Ca dao xưa đã từng chua xót về kiếp lênh đênh trôi nổi như thế: “Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”. Ôi, thương xót làm sao. Nỗi đau đớn cho thân phận của người phụ nữ không chỉ dừng lại ở sự “lênh đênh chìm nổi” mà còn sự phụ thuộc vào người khác, phụ thuộc vào cái xã hội với những định kiến bất công: Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn. Thương thay, trên đời này, còn gì đau đớn hơn khi con người không thể tự quyền quyết định cuộc sống của mình. Và, còn gì cay đắng hơn khi thân phận mình phải phụ thuộc vào người khác. Nữ sĩ đã tiếp tục sử dụng biện pháp đảo ngữ một cách độc đáo để gây ấn tượng về sự phụ thuộc của người phụ nữ, họ cam chịu không được phản kháng, không có tiếng nói riêng cho mình. “Rắn” với “nát”, nghĩa là bột bánh cứng hay nhão, bánh ngon, đẹp hay không tuỳ thuộc vào “tay kẻ nặn”. Đằng sau đó là sự phụ thuộc của kiếp người phụ nữ vào lễ giáo phong kiến, họ chẳng có quyền làm chủ cuộc đời mình. Số phận của người phụ nữ xưa như ‘hạt mưa sa” có hạt thì vào “đài các” nhưng có hạt thì ra “ruộng đồng”. Họ như phận gái mười hai bến nước “trong nhờ đục chịu” nào có dám phản kháng được đâu. Mà họ cũng làm gì có tiếng nói trong cái xã hội nam quyền ấy mà phản kháng. Có lẽ thế mà đại thi hào Nguyễn Du cũng từng khóc cho họ, ông thốt lên: “Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Khép lại bài thơ, Hồ Xuân Hương bày tỏ thái độ trân quý: Mà em vẫn giữ tấm lòng son. Cụm từ “vẫn giữ” biểu thị một thái độ kiên định sâu sắc ở người phụ nữ. Đó là dù cho cuộc sống có như thế nào đi nữa, dù cho cay đắng bất công, dù cho đời lênh đênh chìm nổi, chịu nhiều phụ thuộc, thì, những người phụ nữ ấy vẫn luôn luôn giữ “tấm lòng son”. "Tấm lòng son" trong chiếc bánh trôi chính là hạt đường phên màu đỏ nâu làm nhân bánh, nguyên vẹn, không bị vỡ và chảy nước, ví như người con gái dù có long đong ba chìm bảy nổi, vẫn giữ tấm lòng “son sắt thủy chung”. Một lần nữ, Hồ Xuân Hương muốn khẳng định rằng dù có bị chà đạp, vùi dập, dù cuộc đời có đến đâu chăng nữa thì người phụ nữ vẫn giữ nguyên vẹn phẩm giá cao quý của mình. Dù phải chịu bao bất công nhưng vẫn ngời sáng lên nét đẹp của người phụ nữ, một nét đẹp thuần hậu, vị tha. Do đó, nếu chỉ hiểu theo nét nghĩa “chung thủy sắt son” trong cụm từ “tấm lòng son” ấy thì quả thật chúng ta chưa hiểu hết tấm lòng của nữ sĩ họ Hồ. 3. Kết bài: “Bánh trôi nước” quả thật là một bài thơ tứ tuyệt đặc sắc của nhà thơ Hồ Xuân Hương. Bằng hình ảnh chân thực và ngôn từ giản dị, nghệ thuật đảo ngữ, ẩn dụ tài tình, giọng thơ nhẹ nhàng sâu lắng cùng với trái tim đồng cảm, Hồ Xuân Hương đã khắc họa thành công hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ là những người phụ nữ đẹp, đẹp từ hình thể cho đến tâm hồn nhưng số phận thì lại lênh đênh chìm nổi, cuộc đời phụ thuộc, chịu nhiều bất công cay đắng. Điều khiến cho chúng ta cảm phục và trân quý đó là dù như thế nào đi nữa, những người phụ nữ trong xã hội xưa vẫn luôn giữ được phẩm chất tốt đẹp của mình. Đồng thời, qua đó, ta còn cảm thấy những người phụ nữ ngày nay thật hạnh phúc, bởi vì họ được sống trong một xã hội công bằng “Nam nữ bình đẳng”.